Ai lớn lên mà chẳng có một miền quê để nhớ, để thương. Nơi ấy có cánh đồng thẳng cánh cò bay, có dòng sông êm đềm, có tiếng sáo diều vi vu mỗi buổi chiều tà. Những bài thơ về quê hương đất nước sẽ vẽ nên trong tâm hồn trẻ thơ những khung cảnh tuyệt đẹp của tổ quốc, những hoạt động thú vị tại mỗi làng quê, giúp bé trau dồi thêm tình yêu với gia đình và đất nước. Hãy cùng POPS Kids Blog khám phá chùm thơ về quê hương đất nước ngắn hay nhất qua bài viết dưới đây nhé!
TÓM TẮT
Các bài thơ 4 chữ về quê hương đất nước
1. Quê tôi
Tác giả: Sưu tầm
“Ai về cù lao
Biển xanh tươi thắm
Cỏ cây xanh mượt
Dịu dàng thân quen
Đẹp lắm quê ta
Em ơi hãy đến
Góc phố nhỏ nhoi
Hoàng hôn đẹp lắm.
In sâu ký ức
Không thể nào mất
Là tình quê hương
Mãi nhớ xa xăm
Năm nao còn giặc
Ong đến từng bầy
Phải chăng như tiếng
Quân thù hét la.
Rồi sau mỗi trận
Sang bằng chiến địa
Tiêu diệt cả đàn
Un trong máu lửa
Vùng quê anh dũng
Xưa nay vẫn thế.”
Bài thơ mở đầu bằng khung cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp nơi cù lao – quê hương của tác giả. Tiếp đến là những dòng hồi tưởng về thời chiến tranh, khi giặc được ví như những đàn ong ùa đến tấn công cù lao. Qua đó, tác giả muốn bày tỏ tình yêu tha thiết đối với quê hương và sự kính trọng đối với người lính đã dũng cảm chiến đấu để mang đến hòa bình cho vùng quê như hiện tại.
2. Vẽ quê hương
Tác giả: Định Hải
“Bút chì xanh đỏ
Em gọt hai đầu
Em thử hai màu
Xanh tươi, đỏ thắm
Em vẽ làng xóm
Tre xanh, lúa xanh
Sông máng lượn quanh
Một dòng xanh mát
Trời mây bát ngát
Xanh ngắt mùa thu
Xanh màu ước mơ…
Em quay đầu đỏ
Vẽ nhà em ở
Ngói mới đỏ tươi
Trường học trên đồi
Em tô đỏ thắm
Cây gạo đầu xóm
Hoa nở chói ngời
A, nắng lên rồi
Lá cờ Tổ quốc
Bay giữa trời xanh…
Chị ơi bức tranh
Quê ta đẹp quá!”
Bài thơ lấy 2 màu sắc đỏ và xanh làm chủ đạo. Màu xanh hiện lên qua những bức vẽ của bạn nhỏ về lũy tre, đồng lúa, bầu trời, dòng sông. Điểm xuyến vào đó là màu đỏ gắn với mái ngói của ngôi nhà, những đóa hoa gạo đầu xóm, với lá cờ tổ quốc.
thơ về quê hương đất nước
3. Bảo Lộc quê tôi
Tác giả: Sưu tầm
“Bảo Lộc quê tôi
Nó đẹp nhất tỉnh
Có thác nước Đambri
Có hồ Bảo Lộc
Bảo Lộc niềm vui
Bảo Lộc con người
Cái gì cũng đẹp
Tôi yêu Bảo Lộc.”
Bài thơ nói về địa danh Bảo Lộc. Bảo Lộc là một huyện thuộc tỉnh Lâm Đồng, nổi tiếng gần xa với thác nước Đambri hùng vĩ. Bài thơ ca ngợi cảnh vật thiên nhiên đẹp đẽ và tinh thần mến khách của người dân Bảo Lộc, từ đó thể hiện tình yêu sâu sắc của tác giả dành cho quê hương mình.
4. Hạt gạo làng ta
Tác giả:Trần Đăng Khoa
“Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay…
Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy…”
bài thơ về chủ đề quê hương đất nước
Có thể nói, Hạt gạo làng ta là bài thơ hay về tình yêu quê hương đất nước không ai không biết. Bài thơ của tác giả Trần Đăng Khoa còn được phổ nhạc và trở thành ca khúc thiếu nhi rất được yêu thích.
Bài thơ lồng ghép những hình ảnh về quá trình làm ra gạo, từ phù sa của sông, đến hồ sen thơm ngát, những cơn bão tháng bảy, cơn mưa tháng ba, từ đó gợi nhớ đến nỗi vất vả của người nông dân khi làm ra những hạt gạo quý giá.
5. Quê hương của tôi
Tác giả: Sưu tầm
“Quê hương của tôi
Một màu xanh xanh
Của rặng tre già
Đung đưa trước gió.
Quê hương của tôi
Những ngày trưa hè
Người người tấp nập
Gặt từng bông lúa.
Quê hương của tôi
Có dòng sông Tích
Nước chảy bốn bề
Cá bơi tung tăng.
Quê hương của tôi
Đẹp đến vô ngần
Tôi mến, tôi yêu
Quê hương Cần Kiệm.”
Tác giả tận hưởng khoảng thời gian buổi trưa hè khi đang nhìn ngắm vẻ đẹp của làng quê. Thông qua những câu thơ, quê hương của tác giả hiện lên thật yên bình và tràn đầy màu sắc, với những rặng tre già xanh mát, những bông lúa chín vàng, những đàn cá bơi tung tăng trong dòng sông Tích.
Các bài thơ 8 chữ về quê hương đất nước
1. Quê hương tôi
Tác giả: Tế Hanh
“Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng.
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỉ niệm giữa dòng trôi?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ
Sông của quê hương, sông của tuổi trẻ
Sông của miền Nam nước Việt thân yêu
Khi bờ tre ríu rít tiếng chim kêu
Khi mặt nước chập chờn con cá nhảy
Bạn bè tôi tụm năm tụm bảy
Bầy chim non bơi lội trên sông
Tôi giơ tay ôm nước vào lòng
Sông mở nước ôm tôi vào dạ
Chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả
Kẻ sớm khuya chài lưới bên sông
Kẻ cuốc cày mưa nắng ngoài đồng
Tôi cầm súng xa nhà đi kháng chiến
Nhưng lòng tôi như mưa nguồn, gió biển
Vẫn trở về lưu luyến bên sông
Tôi hôm nay sống trong lòng miền Bắc
Sờ lên ngực nghe trái tim thầm nhắc
Hai tiếng thiêng liêng, hai tiếng “miền Nam”
Tôi nhớ không nguôi ánh nắng màu vàng
Tôi quên sao được sắc trời xanh biếc
Tôi nhớ cả những người không quen biết…
Có những trưa tôi đứng dưới hàng cây
Bỗng nghe dâng cả một nỗi tràn đầy
Hình ảnh con sông quê mát rượi
Lai láng chảy lòng tôi như suối tưới
Quê hương ơi! Lòng tôi cũng như sông
Tình Bắc Nam chung chảy một dòng
Không gành thác nào ngăn cản được
Tôi sẽ lại nơi tôi hằng mơ ước
Tôi sẽ về sông nước của quê hương
Tôi sẽ về sông nước của tình thương…”
những bài thơ về chủ đề quê hương đất nước
Bài thơ viết về quê hương đất nước của nhà thơ Tế Hanh là một tác phẩm không thể bỏ qua khi cho bé học thơ 8 chữ. Dù hiện tại đã sinh sống tại miền Bắc, nhưng nỗi nhớ quê hương, nhớ miền Nam của tác giả vẫn luôn hiện hữu. Hai câu thơ “Tình Bắc Nam chung chảy một dòng / Không gành thác nào ngăn cản được” là lời khẳng định rằng dân tộc Việt Nam là một, không ai có thể chia cắt và ngăn cản Việt Nam đoàn tụ.
2. Chợ quê
Tác giả: Phạm Hùng
“Đàn gà nhỏ ngẩn ngơ tìm bóng Mẹ
Cụm dong riềng xơ xác lá chiều qua!
Bãi đất trống nơi đầu làng rộn rã
Khi giọt sương vẫn còn đọng trên cành
Quê tôi đấy mỗi ngày phiên tháng chạp
Rất ồn ào đẩy nhịp sống thêm nhanh.
Tiếng cười nói rộn ràng gây náo nhiệt
Người hỏi mua, kẻ mời bán không ngừng
Quả bưởi lớn còn nguyên cành vàng ruộm
Buồng chuối kìa cao phải đến ngang lưng.
Mớ cải bẹ nom mỡ màng xanh mướt
Củ su hào nguyên phấn trắng tròn xoe
Cà chua đỏ nhìn mịn màng căng mọng
Những mớ hành đâu kém nõn nà khoe.
Cành ly trắng đang vươn mình kiêu hãnh
Gốc đào phai trổ lộc biếc mượt mà
Những bông cúc luôn nhẹ nhàng êm dịu
Những đóa hồng lại đài các kiêu sa.
Mấy đứa trẻ mon men ngồi xem chữ
Cụ đồ già mài mực hạ tứ thơ
Cô bán vải luôn mồm rằng lụa tốt
Mấy chàng trai thấy gái đẹp… lượn lờ.
Lon thúng nếp Mẹ đong về gói bánh
Bán đôi gà, mua thịt lợn làm nhân
Vài ký đỗ, cân miến cùng hoa quả
Ồ thì ra… Tết Nguyên Đán đã gần.
Những ký ức của một thời con trẻ
Chờ bánh chưng, mong áo mới… ùa về
Vẫn xuôi ngược giữa dòng đời hối hả
Nay đắm chìm trong một góc chợ quê.”
Bài thơ Chợ quê là những dòng tâm sự của tác giả khi nhìn ngắm cảnh vật quê hương vào dịp Tết đến. Mọi người ai cũng hối hả, phiên chợ quê bắt đầu khi những giọt sương vẫn còn đậu trên cành cây.
Xuyên suốt bài thơ là những hình ảnh đặc trưng của không khí Tết như: lá dong riềng, buồng chuối, gốc đào, sạp viết chữ của cụ đồ…, khiến người đọc như chìm vào không khí chuẩn bị Tết cùng mọi người trong bài thơ.
3. Tổ quốc nhìn từ biển
Tác giả: Sưu tầm
“Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn
Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không…”
Bài thơ là lời trăn trở của một người con đất Việt về những giông bão đang ập đến tổ quốc nơi biển xa. Những giông bão ấy đã khiến nhiều người nằm lại tại Hoàng Sa, Trường Sơn. Điểm nổi bật của bài thơ là lồng ghép hình ảnh Lạc Long Quân – Âu Cơ đưa con xuống biển, lên rừng vô cùng sâu sắc.
câu thơ về tình yêu quê hương đất nước
4. Nơi tôi sinh ra
Tác giả: Sưu tầm
“Nơi tôi sinh Tây Ninh làng quê nhỏ
Không ồn ào náo nhiệt quá ai ơi
Những con đường mòn lối bước chân đi
Người qua lại ngược xuôi lặng lẽ.
Nơi tôi sinh Tây Ninh làng quê nhỏ
Từng con người đều thấy rất thân quen
Phiên chợ thành ồn ã buổi chiều hoen
Đêm đèn sáng thả hồn theo làn gió.
Nơi tôi sinh con phố ngắn và hẹp
Thường rộn rã những buổi sáng, chiều hôm
Hàng quán mọc lổn nhổn lấn ra đường
Người lao động quen ngửi mùi khói bụi.
Nơi tôi sinh con ngõ thật là nhỏ
Chỉ dài chừng hai chục bước chân
Ngõ thì thấp nhà lại phải cao lên
Để tránh bị lụt mỗi mùa mưa bão tới.
Nơi tôi sinh con ngõ thật là nhỏ
7,8 gia đình hoà thuận sống bên nhau
Người lao động nghèo chủ yếu là chân tay
Sống giản dị giàu tình thương đồng loại
Nhà tôi ở nơi bình dị đó đấy…”
Bài thơ Nơi tôi sinh ra là những dòng thơ dí dỏm kể về ngôi làng nhỏ của tác giả tại Tây Ninh. Nơi đây không hề ồn ào, náo nhiệt, cũng không có đường xá rộng rãi, nhà cửa khang trang. Dù vậy, con người nơi đây dường như không hề để tâm đến những điều thiệt thòi ấy. Những con ngõ nhỏ có 7,8 gia đình sinh sống vẫn rất hòa thuận, ai cũng sống giản dị, đùm bọc lẫn nhau là điều khiến tác giả càng thêm yêu quý làng quê của mình.
Các bài thơ lục bát về quê hương đất nước
1. Về Làng
Tác giả: Phạm Hương Giang
“Về làng đi dọc triền đê
Mùi thơm lúa chín hương quê ngọt ngào
Say cảnh mặt trời lên cao
Dừng chân cùng bước ghé vào tán cây
Gió đồng thanh mát hây hây
Cò trắng bay lả tràn đầy mộng mơ
Phong cảnh đẹp đến thẫn thơ
Để người xa xứ ngẩn ngơ nhớ nhà.”
Bài thơ là lời tự sự của người con xa quê đang đi dọc triền đê để về làng. Trên đường đi, khung cảnh cánh cò trắng bay lả giữa đồng lúa chín thơm mùi quê hương đã khiến tác giả nhớ quê đến thẫn thờ.
2. Trường Sa Thân Yêu
Tác giả: Nguyễn Thị Loạt
“Mênh mông trời biển bao la
Một vùng biển đảo thật là thân thương
Các anh ở đó biên cương
Cầm chắc tay súng ngăn phường xâm lăng
Nối liền biển đảo xa xăm
Trường Sa yêu dấu tháng năm giữ gìn
Toàn dân gửi trọn niềm tin
Để cho dân tộc bình yên tháng ngày
Hòa bình hạnh phúc vui thay
Trường Sa yêu dấu hàng ngày bên anh.”
những bài thơ hay về quê hương đất nước
Bài thơ ca ngợi về những người lính đang bảo vệ đảo Trường Sa thân yêu. Dù gặp nhiều khó khăn nơi đảo xa, các anh vẫn ở đó, cầm chắc tay súng để ngăn chặn phường xâm lăng, gìn giữ hòa bình hạnh phúc cho dân tộc.
3. Nỗi nhớ quê hương
Tác giả: Quốc Phương
Đi đâu cũng nhớ quê nhà
Sân đình giếng nước cây đa trước chùa
Chợ phiên nhộn nhịp bán mua
Đường làng tấp nập sớm trưa đi về
Chiều chiều nắng nhạt triền đê
Có thói có lề lũ trẻ chăn trâu
Thả diều đánh trận hồi lâu
Rủ nhau tắm mát dưới cầu thủy nông
Đầu làng trải rộng cánh đồng
Màu xanh cây lúa cấy trồng tốt tươi
Ao làng rộn rã nói cười
Mấy cô gánh nước với người đi ngang
Nhớ quê nỗi nhớ mơ màng
Phong sương nên phải xa làng làm ăn
Giờ đây đã bớt khó khăn
Cùng nhau ta rủ hàng năm ta về.
Đây là bài thơ lục bát về tình yêu quê hương đất nước được tác giả Quốc Phương sáng tác khi đang xa nhà làm ăn. Thế nhưng, dù cho có bị ngăn cách về mặt địa lý, nỗi nhớ quê của tác giả chưa bao giờ nguôi.
Đi đến đâu, tác giả cũng sẽ liên tưởng đến hình ảnh tại làng của mình, như sân đình giếng nước, lũ trẻ chăn trâu thả diều vào mỗi buổi chiều, những cô gánh nước tại ao làng nói cười rộn rã. Cuối thơ là lời hứa của tác giả khi đã bớt khó khăn, nhất định sẽ về thăm quê hương hàng năm.
Bài thơ ca dao về quê hương đất nước
1. Bài ca dao 1
Tác giả: Nguyễn Đình Thi
Việt Nam đất nước ta ơi
Mênh mông biển lúa đâu trời đẹp hơn
Cánh cò bay lả rập rờn
Mây mờ che đỉnh Trường Sơn sớm chiều.”
Bài ca dao do nhà thơ Nguyễn Đình Thi sáng tác, miêu tả hình ảnh biển lúa chín vàng, bên trên là những đàn cò bay lả vô cùng yên bình của làng quê Việt Nam. Đối lập với những cánh đồng lúa ở đồng bằng chính là hình ảnh đỉnh Trường Sơn được mây mờ che phủ- nơi đã chứng kiến biết bao trận đánh oai hùng của dân tộc ta.
2. Bài ca dao 2
“Thăng Long Hà Nội đô thành
Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ
Cố đô rồi lại tân đô
Ngàn năm văn vật bây giờ là đây.”
Đây là một trong những câu thơ lục bát về quê hương đất nước nói về kinh đô Thăng Long – Hà Nội. Trải qua hàng nghìn năm xây dựng và phát triển, từ cố đô rồi lại thành tân đô, Thăng Long Hà Nội vẫn giữ lại trọn vẹn nét đẹp đặc trưng như tranh họa đồ cùng những giá trị văn hóa lịch sử quý giá.
3. Bài ca dao 3
“Ai về nhớ vải Đinh Hòa
Nhớ cau Hổ Bái, nhớ cà Đan Nê
Nhớ dừa Quảng Hán, Lựu khê
Nhớ cơm chợ Bản, thịt dê Quán Lào.”
Trong suốt những câu thơ về tình yêu quê hương đất nước, đặc sản của các vùng quê của Thanh Hóa liên tục được nhắc đến như cau Hổ Bái, dừa Quảng Hán… Ba mẹ có thể dùng bài ca dao này để đố các bé địa danh được nhắc đến, từ đó khuyến khích bé tìm hiểu những đặc sản vùng miền, trau dồi tình yêu quê hương, tổ quốc.
Kết luận
Trên đây là tổng hợp 15 bài thơ thiếu nhi về quê hương đất nước hay nhất. Những bài thơ về quê hương đất nước dạt dào cảm xúc sẽ giúp bé tăng thêm hiểu biết về văn hóa, lịch sử, địa lý các vùng miền. Theo dõi POPS Kids Blog để xem thêm nhiều chủ đề thơ hay khác dành cho thiếu nhi nhé!